Các chùa Khmer ở Sóc Trăng rộn ràng chuẩn bị Lễ hội Oóc om bóc (Lượt xem: 2394)
>> TIN TỨC
>> Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
Sóc Trăng - miền đất của những lễ hội văn hóa Khmer đặc sắc. Để Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 3 – Khu vực ĐBSCL 2017 thêm hào hứng, vui tươi, cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các chùa Khmer ở Sóc Trăng đã sớm vận động nhân lực, tài lực để thành lập đội ghe Ngo và ghe Kà hâu. Sắp đến ngày khai mạc lễ hội thì không khí ở các chùa càng rộn ràng hơn khi có nhiều nơi đầu tư đóng mới hoặc đại tu chiếc ghe Ngo, chuẩn bị tham gia ngày hội lớn.

Vận động viên đội ghe chùa Phnocambot vui mừng bên chiếc ghe Ngo mới.
Gần một tháng nay, sân chùa Phnocambot, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên luôn rộn ràng tiếng nói cười. Sau nhiều năm lặng lẽ bên chiếc ghe Ngo cũ trưng bày lưu niệm, nay chùa có thêm niềm vui là chiếc ghe Ngo mới đóng xong để tham gia tranh tài tại lễ hội Ooc om bóc sắp tới. Ban quản trị và sư trụ trì luôn tất bật vì phải lo cùng thợ đóng ghe, vừa huy động vận động viên tập luyện cho đông đủ ngày từ đầu, vì các VĐV toàn là những người mới lần đầu tham gia đua ghe Ngo. Ông Ông Văn Của, Ban Quản trị chùa Phnocambot, cho biết: “Chiếc ghe Ngo cũ của chùa đã 120 năm rồi, từ năm 2001 đến nay do ghe đã xuống cấp, độ lướt sóng không còn nhanh, nên không đạt được thành tích cao. Mùa giải năm nay, nhà chùa quyết tâm đóng ghe mới bằng nguồn đầu tư của Nhà nước và phật tử đóng góp. Hiện, mỗi ngày có trên 100 vận động viên đến tập luyện, cố gắng đạt thành tích cao ở giải đua này”.
Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo năm nay, có 7 chùa Khmer trong tỉnh đầu tư đóng mới hoặc đại tu ghe Ngo để thi đấu cho tốt, tất cả đều do vận động xã hội hóa cùng làm. Mỗi chiếc ghe Ngo chứa đựng niềm tin của bà con vào môn thể thao truyền thống, vừa là sự kỳ vọng của VĐV sẽ đem vinh quang về cho bổn tự. Là môn thể thao tập thể rất độc đáo của đồng bào Khmer, nên chiếc ghe Ngo là sự gắn kết cộng đồng với nhà chùa để mọi người cùng vui chơi sau ngày mùa mệt nhọc. Để niềm vui được trọn vẹn thì mỗi chùa luôn tìm cách cải tiến kỹ thuật cho chiếc ghe Ngo của chùa sao cho vừa đẹp mắt, vừa bơi nhanh, đạt thành tích tốt. Đại đức Liêu Huyền, trụ trì chùa Bâng Kok, xã Phú Mỹ, cho biết: “Nhà chùa đóng mới ghe ngo để tham gia giải đua năm nay. Ghe có cải tiến một chút để giảm lực cản của nước, người bơi sẽ nhẹ tay dầm và bơi nhanh hơn. Hy vọng có ghe mới, thành tích của đội ghe sẽ được nâng lên để bà con phấn khởi”.
Đại đức Liêu Huyền và mạnh thường quân bên chiếc ghe mới đóng
Chùa Tum Núp, xã An Ninh, huyện Châu Thành cũng đang gấp rút đại tu chiếc ghe Ngo để cho đội nữ tập luyện. Đội bơi nam rất yên tâm bên chiếc ghe còn rất mới, nay chùa cho sửa chiếc ghe cũ của đội nam để thành lập thêm đội nữ. Có thể nói, trong 92 chùa Khmer ở Sóc Trăng thì chùa Tum Núp là nhiệt tình nhất trong lễ hội năm nay vì chuẩn bị cả ba nội dung là thi đấu ghe nam, ghe nữ và tham gia trình diễn ghe Kà Hâu. Để tham gia cho thật ấn tượng, nhà chùa đã chuẩn bị từ rất sớm để dành sân cho thợ sửa ghe của chùa, vừa cho chùa ở Kiên Giang mượn chỗ đóng ghe Ngo mới. Công việc tuy bận rộn nhưng ai cũng vui vì được sự ủng hộ của nhiều người để có chi phí tu sửa ghe Ngo cho đội nữ. Chiếc ghe này phải thay mới đến 70% thân ghe bằng gỗ sao loại tốt để cho chiếc ghe vừa chắc chắn khi thi đấu, vừa sử dụng được lâu dài. Trên chiếc ghe này, mọi người chú ý vào hai miếng ván lớn ở đoạn giữa hai bên thân ghe vì nó cần độ đàn hồi tốt, giữ cho ghe không rung lắc khi lao dầm tăng tốc. Mong muốn của nhà chùa là mang lại nhiều niềm vui cho cả đội nam và đội nữ, không chỉ trong giải đấu năm nay, mà còn duy trì phong trào lâu dài hơn. Đại đức Lâm Hiệp, trụ trì chùa Tum Nup, cho biết: “Ghe mới của đội nữ cố gắng giảm được lực cản của nước để lướt sóng nhanh hơn, hình thức cũng cải tiến cho đẹp. Ghe mới này, ngoài nhận được sự hỗ trợ kinh phí của địa phương, phật tử đóng góp cũng rất nhiều, từ ngày công cho đến chi phí. Hy vọng đội ghe sẽ đạt thành tích cao ở mùa giải này”.
Năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 3 – Khu vực ĐBSCL 2017, cố gắng huy động khoảng 60 đội tham gia. Để tăng sức hấp dẫn cho giải đấu, Ban tổ chức quyết định tăng số tiền thưởng từ 100 triệu lên 150 triệu đồng cho đội đạt giải Nhất thể loại ghe nam, còn giải Nhất thể loại nữ là 100 triệu đồng. Ngoài ra còn có giải thưởng phụ cho các đội có thành tích tốt qua từng vòng đua. Những thông tin về nội dung, thể thức thi đấu đã cập nhật, bổ sung kịp thời cho các đội để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, mang lại thành công chung cho lễ hội.
Sửa chữa, nâng cấp ghe Kà Hâu
Bên cạnh giải đua ghe Ngo thì Hội thi trình diễn ghe Kà Hâu cũng sôi động không kém. Năm 2016, tỉnh đã tổ chức Hội thi lần đầu tiên nên các chùa có kinh nghiệm để về sửa sang, trang trí lại cho chiếc ghe Kà Hâu của chùa thêm đặc sắc. Như chùa Tum Núp có chiếc ghe cổ xuất xứ từ Nam Lào, không ai nhớ mang về từ năm nào, chỉ căn cứ theo biên bản bàn giao của hai vị trụ trì ký nhận vào năm 1802 và được các đời trụ trì lưu giữ cho đến nay. Đây là chiếc ghe làm từ gỗ nguyên khối dài 16 mét, phần mui được chạm trổ tinh xảo, nhưng đã bị hư hỏng khá nhiều nên chùa mới gọi thợ đến sửa lại, có gắn thêm các thanh kim loại cho vững chắc hơn để tham gia hội thi năm nay. Ông Châu Dương, Ban Quản trị chùa Tum Nup, cho biết: “Ghe Kà Hâu mới của chùa năm nay lấy từ mô hình chánh điện của chùa, rồi trang trí thêm bóng đèn, kết hoa, vẽ các họa tiết, hoa văn có khác hơn chiếc ghe cũ. Hiện, ghe mới đã gần xong, từ nay đến ngày tham gia hội thi chùa sẽ chăm chút thêm cho ghe lộng lẫy hơn nhưng vẫn giữ nét uy nghiêm của ghe Kà Hâu”.
Ghe Kà Hâu được trang hoàng lộng lẫy
Chiếc ghe Kà hâu là đại diện của mỗi chùa nên các nghệ nhân rất trau chuốt cho chiếc ghe này. Bởi ghe Kà hâu chỉ phục vụ sư cả khi rời chùa, nên ghe cũng phải đẹp trong mắt phật tử. Thiết kế, trang trí trên ghe Kà hâu phải lộng lẫy, uy nghiêm, cầu kỳ và sang trọng. Điều này thể hiện qua các hoa văn, họa tiết chủ đạo, các kiểu chạm khắc, cách phối màu để nổi bật khi phản chiếu trên mặt nước. Kà hâu và ghe Ngo là đôi bạn đồng hành trên đường đua sông nước từ thời xa xưa. Ngày nay, tuy số lượng ghe Kà hâu ngày càng ít đi do già cỗi, nhưng bù lại sự quan tâm dành cho ghe Ngo ngày càng nhiều hơn. Cho nên không chỉ số lượng ghe tăng lên qua từng năm, mà kỹ thuật đóng ghe cũng đổi mới, vì nay đã có thêm nhiều người trẻ theo học nghề đóng ghe Ngo. Đối với lễ hội Óoc om bóc nói chung và môn đua ghe Ngo nói riêng đã toát lên đầy đủ nhất "Ý đảng, lòng dân" trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.
Trọng Danh
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.